Mục tiêu là gì? (Và vì sao nhiều người không hạnh phúc với mục tiêu của mình)
Đặt mục tiêu thật sự đã thay đổi cuộc đời Tú rất rất nhiều. Với những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, Tú trở nên trưởng thành hơn, hạnh phúc hơn. Cả về cá nhân, sự nghiệp, tài chính, các mối quan hệ,...
Thế nhưng Tú cũng thấy rất nhiều người đày đoạ bản thân chỉ để đạt được những "mục tiêu" trong đời. Đôi khi tới mức đánh mất đi nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Vậy mục tiêu thật sự là gì? Làm sao để hạnh phúc đi trên hành trình đến mục tiêu của mình?
Mục tiêu là gì?
Sai lầm đáng buồn về đặt mục tiêu
Thường thường, chúng ta hay nghĩ mục tiêu là đích đến để mình đạt được một cái gì đó (thông thường là một cảm xúc nào đó).
Kiểu như bạn có mục tiêu là trở thành trưởng phòng để bạn thấy mình thành công.
Hay bạn phải kiếm được 25 triệu/ tháng để thấy mình được công nhận.
Hoặc bạn muốn có bụng phẳng eo thon để thấy mình cuốn hút và xinh đẹp...
Những điều đó không sai, nhưng nó biến mục tiêu thành một áp lực và hành trình đến mục tiêu là một gánh nặng.
Tưởng tượng xem bạn phải đi trên một hành trình trong đó mỗi ngày bạn thấy mình thất bại, xấu xí, không được yêu thương, không được tôn trọng. Nhưng bạn vẫn phải cố gắng, vẫn phải đấu tranh mỗi ngày, chỉ để nhủ rằng một ngày nào đó mình sẽ thành công, sẽ hạnh phúc khi đạt được mục tiêu.
Nhiều người bảo “no pain no gain”, nhưng cá nhân Tú chẳng thích đau khổ như vậy chút nào.
Định nghĩa mới tích cực về mục tiêu
Vậy mục tiêu là gì?
Tú nghĩ, bản thân mỗi con người chúng ta đã là một cá thể tuyệt vời theo định nghĩa của chính mình. Việc đặt mục tiêu là để bạn khám phá thêm những cái “hoành tráng” của mình, hiểu bản thân mình hơn và để lại những dấu ấn tích cực cho xã hội.
Chúng ta đặt mục tiêu và cố gắng đạt được là vì chúng ta yêu thương bản thân mình và muốn trao tặng bản thân những điều tốt đẹp nhất.
Vậy nên, khi bạn đặt ra một mục tiêu và lên kế hoạch thực hiện nó, cái cốt yếu không phải là đích đến của bạn, bởi đích đến chỉ là một tờ “giấy chứng nhận” kết quả cho hành trình bạn trải qua.
Điều quan trọng là trên hành trình ấy, BẠN ĐANG DẦN TRỞ THÀNH CON NGƯỜI TUYỆT VỜI HƠN CHO CHÍNH MÌNH. Mỗi bước bạn đi, đều chứng minh cho bạn thấy được bạn dám yêu thương, dám phấn đấu cho bản thân mình, để trải nghiệm thêm những điều mới trong cuộc đời và chiêm nghiệm thêm về bản thân mình.
Hành trình như vậy đáng đi lắm chứ!
Vậy nên từ giờ, mỗi khi đặt mục tiêu, hãy hiểu rằng bạn đang yêu thương bản thân mình. Hãy đặt mục tiêu với mục đích mang lại những điều tốt đẹp hơn nữa cho bản thân. Chứ không phải để đạt được một danh hiệu hay sự công nhận nào đó.
Làm thế nào để đặt mục tiêu đúng
Vậy là bạn đã hiểu mục tiêu là gì. Giờ hãy nói đến việc làm sao để có những mục tiêu tích cực cho bản thân nhé.
Có thể bạn đã biết đến SMART goals, hay cách đặt mục tiêu theo NLP, vân vân. Mỗi cách đều có cái hay, vậy nên miễn là bạn cảm thấy phương pháp ấy hợp với mình, thì hãy sử dụng nó.
Ở đây Tú muốn nêu ra một số điểm quan trọng về việc đặt mục tiêu để bạn có động lực và dễ dàng đạt được nhất.
1. Mục tiêu phải cụ thể và rõ ràng
Nhiều bạn hỏi Tú làm thế nào để nói tiếng Anh hay và học giỏi tiếng Anh (vì Tú làm phiên dịch mà^^). Tú luôn hỏi lại ra “Đến mức nào thì bạn thấy là hay? Hay định nghĩa “giỏi” của bạn là gì?”
Vì một mục tiêu chung chung sẽ chỉ mang lại những hướng đi chung chung. Hãy xét 2 mục tiêu:
A: “Giỏi tiếng Anh”
B: “Có khả năng duy trì một cuộc hội thoại giao tiếp bằng Tiếng Anh với một người nước ngoài trong khoảng 5’ về những chủ đề thông dụng”
Cái nào cụ thể hơn? Cái nào dễ đo lường hơn? Cái nào bạn có thể biết rõ là mình đã đạt được hay chưa hơn? Cái nào dễ thiết lập chiến lược để đạt được hơn?
Nói ngắn gọn, không chỉ "mục tiêu là gì". Quan trọng hơn là "mục tiêu cụ thể của bạn là gì?". Bạn càng rõ ràng thì xác định hướng đi càng dễ.
2. Mục tiêu phải nằm trong tầm điều khiển của bạn
Nếu bạn đặt mục tiêu là “tôi sẽ trở thành trưởng phòng”, “anh ấy sẽ yêu tôi”, “Việt Nam sẽ vô địch World Cup” thì yeah... chúc bạn may mắn, bởi vì bạn không phải là người quyết định kết quả của mục tiêu ấy.
Tất nhiên bạn có thể nỗ lực hết sức, làm tất cả điều mình có thể. Nhưng bạn cũng chỉ có thể làm điều bạn làm được trong giới hạn của mình. Các yếu tố khác sẽ tự xoay chuyển theo cách của nó.
Vậy nên, khi bạn đặt mục tiêu, hãy tự hỏi mình “Tôi có phải là người quyết định chính kết quả của mục tiêu này không?”
Và hãy đảm bảo câu trả lời là có.
3. Mục tiêu phải là điều chính bạn mong muốn
Bạn có muốn trở thành giám đốc một công ty không? Bạn có muốn trở thành triệu phú không? Bạn có muốn có nhà lầu, xe hơi không?
Bạn có thực sự muốn đạt được những mục tiêu ấy không? Vì hạnh phúc của chính bạn ấy chứ không phải do một chuẩn mực nào khác?
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng rất nhiều "mục tiêu" của bạn đơn giản chỉ là một "di sản" của xã hội, của gia đình, và của những người xung quanh.
Kiểu như khi iPhone quá hot và ai cũng muốn sở hữu, tự nhiên bạn cũng có "đam mê" tậu một con iPhone, mặc dù không hẳn bạn cần/thích/muốn có nó. Còn nếu bạn sở hữu một chiếc iPhone vì chính những tính năng nó mang lại thì Tuyệt vời! Tú cũng là dân nằm trong Apple's ecosystem và rất hài lòng với nó đó <3 em="">3>
Hãy nhớ, mục tiêu của bạn phải là điều CHÍNH BẠN muốn có được trong cuộc sống của mình.
4. Hiểu về tính chất mục tiêu của mình
Có những mục tiêu có thời hạn nhất định. Ví dụ nếu mục tiêu của bạn là đạt IELTS 7.0 và bạn đã đăng ký kì thi vào tháng 8 năm nay, thì bạn biết bạn có khoảng 7 tháng ôn luyện để đạt được mục tiêu của mình.
Cũng có những mục tiêu bạn không biết khi nào sẽ hoàn thành. Và nó cũng không quá gò bó với bạn. Ví dụ như sau khi hoàn thành mục tiêu 1 là “công bố thiên hạ về Genie Academy”, 2 mục tiêu của Tú tiếp theo là “hoàn thiện hệ thống khoá học của GA" và “tạo giá trị đủ để nhận được 1000 lời cám ơn từ bạn đọc” (bởi việc bạn viết lời cám ơn không nằm trong quyền kiểm soát của Tú, nhưng giá trị của nội dung là điều Tú có thể làm chủ hehe)
Tú muốn hoàn thành 2 mục tiêu kể trên trong năm 2019, nhưng đó chỉ là một “deadline ảo" để Tú tự sắp xếp lịch trình và các ưu tiên của mình. Nếu năm 2019 Tú chưa nhận được 1000 lời cảm ơn thì đơn giản là tiếp tục ở năm 2020 thôi. Và tự vấn bản thân mình đã viết gì mà chả ai thấy đáng cảm ơn vậy=))
Miễn là Tú vẫn đang mang lại giá trị đến nhiều người hơn. Thì Tú vẫn đang trên đúng hành trình đến mục tiêu của mình.
Việc hiểu về khung thời gian của các mục tiêu sẽ giúp bạn sắp xếp các mục tiêu, năng lượng và mức độ ưu tiên cho chúng trong "chiến dịch" cán mức mục tiêu của minh.
Vậy mục tiêu của bạn là gì
Thật sự, khi hiểu được mục tiêu là gì, bạn sẽ thấy hứng khởi với chúng hơn nhiều. Mục tiêu là đích đến, nhưng điều quan trọng là hành trình đến đấy là một đoạn đường bạn thật sự thích đi.
Vậy thì hãy dừng lại chút và suy nghĩ xem, mục tiêu của BẠN là gì?
Đăng nhận xét